Dưới chân núi có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Cột mốc 108 nằm trên núi cao cách chân núi chừng nghìn mét thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay trong tiết Xuân ấm áp của ngày đầu trở về Tổ quốc, Bác đã có cảm hứng với cảnh vật nơi này nên làm bài thơ đầu tiên tựa đề “Pác Bó hùng vĩ”:Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Ở lưng chừng núi gần cột mốc 108 là hang Pác Bó, nơi Bác chọn làm chỗ ở ngay sau khi trở về nước. Dưới chân núi có chiếc bàn đá làm việc của Bác nằm bên cạnh đầu nguồn của suối Lê-nin. Chiếc bàn đá và cửa hang trên sườn núi nhìn xuống hồ nước trong xanh, thấy cá lội và bóng cây rừng, núi đá.
Sự kiện Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện lớn của lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam, đã làm thay đổi tình hình cách mạng trong nước. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc cách mạng tháng Tám 1945 và ngày 2-9-1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .
Theo biên niên sử Hồ Chí Minh, từ ngày 11-11-1924, Bác Hồ từ Mát-xcơ-va (Nga) về tới Quảng Châu (Trung Quốc) lần đầu. Khoảng thời gian 1925-1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước từ trong nước tới đây với giáo trình là sách “Đường kách mệnh” và thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Do Sở Mật thám Anh truy lùng, Bác phải trở lại Nga. Ngày 25-4-1928, Người được Quốc tế cộng sản cử trở về Đông Dương theo nguyện vọng. Người tới Thái Lan ở một thời gian rồi về lại Hồng Kông (Trung Quốc) tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930.
Năm 1931, Người trở lại Mát-xcơ-va và năm 1938 về lại Quảng Châu. Trong năm 1939, Người di chuyển tới các thành phố Quế Lâm, Liễu Châu, Nam Ninh, Long Châu, Quý Dương, Côn Minh nằm dọc theo cuộc trường chinh vĩ đại của Đảng và đoàn quân giải phóng Trung Quốc từ Nam lên Bắc.
Đầu năm 1940, Bác Hồ gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ở Côn Minh từ Việt Nam sang. Sau ngày 20-6-1940, được tin Paris (Thủ đô Pháp) bị quân Đức chiếm, Bác triệu tập cuộc họp Ban Hải ngoại của Đảng, phân tích: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Đầu tháng 1-1940, tại Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) cách biên giới Trung Quốc – Việt Nam 50km, Bác cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị gần một tháng rồi cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc lên đường về nước.
Lớp huấn luyện cấp tốc này dành cho những cán bộ cách mạng và người yêu nước từ trong nước sang để chuẩn bị cơ sở “nhân hòa” cho “thời cơ” và “địa lợi” cách mạng mới. Đây là thời kỳ sau ngày khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ, vừa là thời cơ, đồng thời là thách thức vì cuộc nổi dậy của nhân dân đã có sự lãnh đạo của Đảng.
Lúc ấy, Bác còn nói: “Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết dân tộc càng quan trọng, ta phải nghĩ đến việc lập một Mặt trận rộng rãi, có hình thức và tên gọi cho thật thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Hay Việt Nam độc lập đồng minh? Theo ý Bác, nên lấy tên Việt Nam độc lập đồng minh”. Ý kiến đó của Bác được đem ra thảo luận trong Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 8 của Đảng ngày 19-5-1941 và tên chính thức của Mặt trận được gọi tắt là Việt Minh.
Đối với Bác, đó là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cách mạng của mình. Sau đó, Bác đi tìm một chỗ ở kín đáo hơn. Đó chính là hang Pác Bó (Cốc Bó) nằm ở lưng chừng sườn núi Các Mác. Hôm Bác rời về ở trong hang là 8-2-1941, tức đúng 12 ngày sau ngày về nước.
Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động:
“Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất.
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.
Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cả thiên nhiên đất trời như reo vui:
“Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt.
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ.
Bác về… im lặng. Con chim hót.
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.
(Theo chân Bác của Tố Hữu)
Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 2-9-1945, sơn hà của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Hồ Chí Minh trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước ta.
Sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một mùa Xuân đặc biệt trong cuộc đời bảy mươi chín mùa Xuân của Người, vì đó là mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để rồi từ đó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa Xuân cho dân tộc, chấm dứt trăm năm nô lệ tăm tối. Đã bảy mươi hai mùa Xuân trôi qua nhưng hình ảnh khi lần đầu tiên Bác trở về với Tổ quốc sau 30 năm xa cách ấy vẫn mãi không phai nhòa trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc, đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân mà không gợn chút riêng tư để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển. Càng nhớ Bác Hồ, mỗi người chúng ta hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong thời kì cách mạng mới, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.