“Cầu Quan vui lắm ai ơiTrên thì họp chợ dưới bơi thuyền rồng”...
Mỗi khi được nghe những câu hát ấy, trong mỗi người con làng Côn Sơn xã Trung Thành lại có cảm giác xốn xang. Câu hát ấy đã phản ánh hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc của nhân dân địa phương nói riêng và nhân dân vùng Cầu Quan xưa nói chung – đó là lễ hội Đền Mưng. Trải qua hơn 1.400 năm, tuy có nhiều thăng trầm, biến cố song Đền Mưng vẫn còn đó, nhân dân trong làng vẫn duy trì tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, mang màu sắc đặc trưng mà không nơi nào có được.
Theo truyền thuyết vào năm 618 Tham Xung Tá Quốc Lê Hữu - con trai út của Lê Ngọc - một quan lớn của nhà Tùy không chịu khuất phục sự thống trị hà khắc của nhà Đường. Chính ông cùng với 3 người con trai với sự ủng hộ của nhân dân trong vùng đã tụ binh khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, thế trận không cân sức nên cha và 2 anh trai của ông đã hy sinh. Với lòng căm thù ông lên ngựa cầm quân thay cha đánh giặc. Trên đường truy kích ông đã bị quân giặc bao vây, trong một trận giao tranh sinh tử ông đã bị giặc chém rơi đầu… Ông nhặt đầu lên và tiếp tục thúc ngựa chạy về đến núi Côn Minh bên dòng Lãng Giang hét lên một tiếng, ném đầu xuống sông và hiển thánh. Đó là ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch. Người chị gái từ Nghệ An ra cứu viện, biết tin em đã hy sinh bà đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn để giữ trọn khí tiết, xác trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa ba sông là sông Lãng, sông Hoàng, và sông Yên thuộc địa phận xã Tế Nông ngày nay thì nổi lên, được nhân dân vớt lên an táng. Ghi nhớ công ơn của cha con ông nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ để hương khói. Đến thời Hậu Lê thế kỷ thứ XV được nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là Đền Mưng thuộc làng Mưng, tức là làng Côn Sơn ngày nay.
Xưa kia lễ hội Đền Mưng được xếp vào loại quốc lễ. Hàng năm vào dịp lễ hội Triều đình ban sắc chỉ, Bộ lễ cử người về làm chủ tế vì thế nên có tục rước văn. Ngoài việc tế lễ còn có trò chơi dân gian, trò diễn hát chèo thờ, các hoạt động chèo thuyền, rước voi, rước cỗ…
Những hoạt động tâm linh, tín ngưỡng ở đền Mưng chỉ tồn tại đến năm 1939, thời gian sau đó thực dân Pháp đã cấm các hoạt động tín ngưỡng, đồ thờ ở đền Mưng đã bị di dời, phá bỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ di tích đền Mưng đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại khu đất trống.
Với sự nỗ lực của nhân dân làng Côn Sơn nhằm khôi phục lại các hoạt động của lễ hội đền Mưng, đến năm 1994 Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa cấp bằng công nhận đền Mưng là di tích lịch sử văn hóa. Trong 27 năm qua, cán bộ, nhân dân làng Côn Sơn nói riêng và xã Trung Thành nói chung đã đầu tư trùng tu tôn tạo, khu di tích lịch sử văn hóa này. Bằng lòng hảo tâm của cán bộ, nhân dân trong làng trong xã và du khách thập phương, Ban quản lý khu di tích đã xây dựng 3 gian chính tẩm, 5 gian tiền đường, 3 gian nhà khách phía Tây và nâng cấp toàn bộ hệ thống khuôn viên nhà Đền với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó hàng năm địa phương cũng đã duy trì nhiều phong tục truyền thống như: việc cúng tế; hát chèo thờ trên sông và trên cạn; rước cỗ của các ngõ xóm, dòng họ, các bản hội và 5 chi kỵ trong vùng Cầu Quan. Đặc biệt lễ hội Đền Mưng không chỉ góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống tâm linh của nhân dân làng Côn Sơn mà còn tạo được sự gắn kết cộng đồng với những xã lân cận.
Một nét đẹp văn hóa đặc sắc trong lễ hội đền Mưng mà nhân dân trong làng còn lưu giữ được đó là tục hát chèo thờ. So với hát chèo của Đồng bằng Bắc Bộ, hát chèo thờ Đền Mưng là một loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo ở chốn làng xã mang đậm sắc thái bản địa nên có những nét riêng và độc đáo. Đó là hát chèo thờ Đền Mưng chỉ được sử dụng trong lễ hội Đền Mưng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 8 tháng ba âm lịch. Hát chèo thờ ở đây là hát hầu thánh, hay còn gọi là thờ thánh trong lễ hội Đền Mưng. Như vậy, có lễ hội Đền Mưng thì mới có hát chèo thờ. Trong lời hát của các làn điệu chèo thờ Đền Mưng thì những chữ luyến láy không dùng chữ i như hát chèo của Đồng bằng Bắc Bộ mà dùng chữ a. Chèo thờ Đền Mưng có các làn điệu như làn vãn, làn than, hát xướng... Hàng năm vào dịp lễ hội nhân dân trong vùng thường tổ chức chèo thờ rước thánh lưỡng từ Đền Mưng xuống đền Tam Giang thăm chị. Tục hát chèo thờ Đền Mưng xuất hiện từ đó.
Từ xa xưa, trong lễ hội chèo thờ rước thánh, nhân dân trong vùng thường thiết lập một đội chèo thuyền gồm 5 chiếc, 2 chiếc phát đường, một chiếc đặt hương án, một chiếc thuyền thánh ngự, một chiếc thuyền phù giá. Người chèo thuyền được gọi là nữ quan. Đó là những thiếu nữ mới lớn, con nhà quyền quý hoặc những gia đình có gia phong được nhân dân trong làng tín trọng. Để chuẩn bị cho lễ hội, các nữ quan phải tập hàng tháng trời ở trong nhà gọi là chèo cạn. Từ ngày mùng 1 tháng 3 thì bắt đầu tập chèo nước, tức là tập chèo thuyền trên sông Lãng. Ngày mùng 8 chèo rước tượng Thánh từ đền Mưng xuống Đền Tam Giang, nhân dân làng Côn Sơn thức dậy từ rất sớm để sử soạn các điều kiện cần thiết như sơn sửa, trang trí thuyền cho đúng với nghi lễ. Thuyền dùng trong lễ hội là những chiếc thuyền lớn của dân chài, được trang trí hoa văn cách điệu, sơn son, thiếp vàng, làm mái vẫy, treo đèn lồng hết sức đẹp mắt. Trước khi xuất phát các thuyền tập trung trước bến đá Đền Mưng chèo lượn trước cửa Đền và hát những điệu chèo thờ truyền thống để nhân dân thưởng thức. Khi xuất phát các thuyền thường đi cách nhau khoảng 100m, tạo nên một khung cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Dòng Lãng Giang chảy qua vùng Cầu Quan quanh co uốn khúc làm cho hình ảnh đoàn thuyền chèo thờ càng thêm lộng lẫy. Đoàn thuyền đi đến đâu đều vang lên những tiếng hò chèo thờ đến đó. Hò chèo thờ có hai điệu là chèo khoan và chèo đấu. Điệu chèo khoan thì khoan thai, nhịp nhàng và được đệm huầy, dô huầy dô ta, hò là dô huầy. Ngược lại, điệu hò chèo đấu lại có nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp, thể hiện không khí vui tươi, nhộn nhịp của lễ hội và được đệm ớ khoan.
Khi đoàn thuyền đi đến làng nào, các nữ quan đều có các làn điệu hát vịnh và đối đáp với nhân dân làng đó. Ví như khi thuyền đến bến Đông, thuộc xã Trung Chính nữ quan sẽ hát:
Thuyền rồng đã đến làng Đông
Con gái làng Chợ xuống sông chào thuyền
Và khi đến làng Vặng thuộc xã Trung Ý cũ, nơi có vực Si, nữ quan sẽ hát rằng:
Thuyền rồng đã đến vực Si
Con gái làng Vặng làm chi ở nhà
Trên bờ, trai gái trong làng ra xem thuyền chải hát đối lại:
Làng Vặng đang xáo cỏ gà
Nghe tiếng thuyền chải em ra mừng thuyền.
Cứ như vậy, đoàn thuyền rước Thánh Lưỡng từ Đền Mưng xuống đến Đền Tam Giang cách đó khoảng 10 km. Sau khi xuống đến Đền Tam Giang, Thánh Lưỡng được rước lên đền, tổ chức tế lễ, sau đó lại được rước về Đền Mưng. Theo tục lệ xưa thường thì thuyền xuôi đền Vua Bà vào lúc nước ròng và tế lễ xong đến lúc nước lên thì quay về.
Từ xa xưa tục chèo thờ được tổ chức 5 năm một lần. Vì Vậy mới có câu:
Năm năm có một khoá chèo
Nghèo thật là nghèo, vui thật là vui
Có thể nói văn hóa lễ hội đền Mưng đã gắn vào đường gân thớ thịt của các thế hệ nhân dân làng Côn Sơn, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, làm phong phú đời sống tinh thần, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống Cách mạng, đạo lý uống nước nhờ nguồn, giáo dục nhân cách, văn hóa tư tưởng, tạo nên sự đoàn kết đồng thuận trong nhân dân. Những ngày diễn ra lễ hội đền mưng, nhân dân làng Côn Sơn xã Trung Thành đã thể hiện truyền thống đoàn kết, chung tay, góp sức cùng lo việc làng. Hầu hết mọi người từ già, trẻ, gái, trai trong làng đều tạm gác lại mọi công việc thường ngày để tham gia lễ hội; đồng thời tự nguyên quyên góp tiền của, công sức để tôn tạo lại đền Mưng và mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ lễ hội.
Nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Mưng ngày nay chính là sự kết hợp giữa các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống như: đua thuyền, hát chèo thờ trên sông Lãng, thi chọi gà, bắt vịt trên sông, kéo co, với các môn thi đấu thể thao hiện đại như: bóng chuyền, bóng bàn, nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hóa phi vật thể của địa phương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Với ý nghĩa và giá trị di sản, Lễ hội Đền Mưng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 4605 ngày 20/12/2019.
Một năm có mấy tháng ba
Đền Mưng lễ hội để ta cùng về.
Cũng vì một năm có mấy tháng ba ấy mà nhân dân làng Côn Sơn đã nỗ lực hết mình để lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa trong lễ hội đền Mưng, nhất là tinh hoa nghệ thuật hát chèo thờ.